Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả

ngythanh



 




32 năm
bầu bạn với ViVi





Tôi biết ViVi rất sớm, và quen rất muộn. Sớm không có nghĩa là năm 1958. Bấy giờ, cậu nhóc mười ba tuổi Võ Hùng Kiệt đã là họa sĩ chuyên vẽ bìa báo Tuổi Xanh của cụ Bùi Văn Bảo, trước “Thư Gởi Bạn Ta” một thế hệ. Và cũng bấy giờ, giữa trăm hoa đua nở, muôn người muôn vẻ, hà tất phải có lý do để cụ Bảo Vân không chọn những bậc cao niên hay những người thành danh, mà lại níu áo một đứa bé. Nửa thế kỷ sau, đứa bé ngày nào hí hoáy cầm cọ nay đã tự vun bồi cho mình một chỗ đứng vững vàng, độc lập, một cõi riêng mình, một quá trình không thể trộn lẫn. Cái nhìn xuyên suốt của bậc trưởng thượng quả là chính xác, quả là đáng phục. Quả tình chủ nhiệm báo Tuổi Xanh đã nhìn xa trông rộng, đã thấy một thiên tài khi tài năng ấy còn khép kín hương hoa, còn chờ thời gian để chín rộ. Có một câu danh ngôn, rằng “đạo đức đích thực là người thấy và nhìn nhận cung cách đạo đức của người khác.” Nếu thế, cụ Bùi quả thật cao tay khi nhìn cọ pháp của một đứa bé mà nhận chân được một thiên tài. Sớm của tôi là năm 1964. Dạo ấy, bố mẹ tôi mê cuộc sống nông trại hơn tiện nghi thị thành, bèn bán thốc bán tháo nhà cửa đồ đạc ở Cầu Kho, phường Tây Linh, quận Thành Nội, tay bồng tay bế năm đứa chúng tôi, chất hết lên một cái xe đò hiệu Renault, đổ bộ xuống miếng đất mặn nổi phèn ở Lang Cô, làng địa đầu cực nam của tỉnh Thừa Thiên, để anh em chúng tôi nếm mùi lễ độ khi bị tước đoạt các tiện nghi của xã hội văn minh. Về đây, chúng tôi như từ trời rơi xuống. Không nước máy. Không điện thắp sáng. Không máy thu thanh. Không hàng quán. Nguyên một xã có ba chiếc Peugeot, khoảng muời lăm chiếc xe đạp, nhà ngói đếm được trên đầu ngón tay, bưu trạm không bán tem và con dấu nhật ấn bỏ quên lên mốc lên meo không bận rộn như con dấu ghi ngày của ga xe lửa. Suốt một thời thơ ấu của tôi, tôi thấy ngoài công văn chứa trong những phong bì màu vàng, chưa hề một lá thư gởi đi, và túi thư về quanh năm trống rổng, chỉ trừ tháng hai lần không cần cắt dấu xi, người bưu tá cũng đã biết bên trong duy nhất là tờ bán nguyệt san Tuổi Hoa bằng cuốn vở “Cyclo” giấy đen, gấp làm đôi, thắt ngang lưng là mảnh giấy viết bằng tay tên người nhận và địa chỉ. Không nói, các bạn cũng thừa đoán ra được rằng tờ báo của tôi sẽ được luân lưu qua bao nhiêu bàn tay, và trong những trao đổi thảo luận của đám độc giả tập thể chúng tôi sau đó thế nào cũng có phần “bình” về nét vẽ của một nhân vật mới ký tên ViVi, xen kẽ với họa sĩ R.Nguyễn.

Các bạn cứ hình dung coi, một xứ sở khỉ ho cò gáy, mọi rợ man di, bỗng nhiên được soi rọi bằng một tờ báo từ hành tinh khác phóng tới, chớp sáng và nổ đùng, mồn một như ánh hỏa châu đong đưa trong đêm đen như đêm trừ tịch. Nét vẽ thủy mạc ngoạn mục của họa sĩ ViVi từ trong tờ tạp chí lóe ra, sắc gọn, gần gũi, chân tình, thiết thân, truyền cảm dẫn đường cho những dòng chữ dễ thương và thân thiết. Có khi một nét bút quét nhẹ thành thanh tú của một nữ sinh, nhiều khi vài chấm phá lắng đọng thành rừng, thành bãi, thành triều dâng, thành mây chiều trôi lãng đãng … những đường quái chiêu đã một thời thêm mộng thêm mơ cho lứa tuổi học trò. Quả tình, ViVi đã có những ngón tay cầm cọ đầy bất ngờ, đầy quái dị, nhưng vẫn chân phương, vẫn gân guốc còn hơn hình chụp. Thủa đó là lúc tôi mơ mộng sẽ lớn lên cầm máy ảnh nhưng vì mộng mơ vẫn còn ngoài tầm tay và ngoài tuổi tác, nên đã tạm đồng hóa tuổi ngọc của mình với cách diễn đạt của người họa sĩ. Tiếc một nổi, khoảng cách từ cõi mù lòa ở chân đèo Hải Vân đến tòa soạn Tuổi Hoa ở Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng Saigon là cả hai thế giới.







Đầu những năm 70, khi đã vào sinh ra tử với “Mùa hè Đỏ Lửa”, có đến hai lần về phép, mượn cái “xe jeep Đại Hàn” mà anh em tòa soạn Sóng Thần vẫn gọi là “chiếc xe tăng”, tôi lái từ Võ Tánh tới Kỳ Đồng tìm thăm và làm quen nhưng cả hai lần đều không gặp anh chàng họa sĩ. Rõ vô duyên! Rồi biến cố “tháng Tư đen”, tôi làm hành khách duy nhất trên chuyến bay C-130 từ Tân Sơn Nhất ra Đà Nẵng ngày 22-3-1975, trong khi bắc quân đã chiếm Huế và Ban Mê Thuột. Máy bay bị hư, một chong chóng lười biếng không quay, phi công lết được con tàu sắt xuống Biên Hòa để chẩn bệnh, và “đuổi” ông nhà báo quân đội xuống, “Thôi, vậy là số ông không rơi vào tay Việt Cộng. Ra đón cái xe lam quay lại Saigon đi…” Không, bố và năm đứa em tôi đang còn ngoài Đà Nẵng. Tôi chờ tàu sửa xong, tiếp tục cà rịch cà tang bay về thành phố nổi loạn. Rồi ba mươi tháng Tư. Mất Đà Nẵng, mất Long Khánh. Mất miền Nam Việt Nam. Tôi tưởng cởi bỏ quân phục là rã ngũ, là binh nhất Tiểu đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị sẽ chẳng bao giờ còn dịp gặp và làm quen anh chàng “Lính” của Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu.

Giải Phóng: tự nghĩa đen của mỹ từ nầy đã đậm đặc chất hài hước. Hai chữ ấy lớn lắm, dù nghĩ xuôi hay hiểu ngược, nói lái. Giải Phóng, chủ nhà bị lùa đi kinh tế mới, kẻ tị hiềm ngu dốt bỗng nắm quyền bính. Người mất, mất quá nhiều. Người được, được quá nhiều. Không nghe Bảo Ninh vạch trần trong “Thân Phận Tình Yêu” đấy à? — “Trên tàu Thống Nhất chuyến ấy toàn là thương phế binh và lính về vườn. Ba lô ken dày trên giá, võng chăng dọc ngang lòng toa biến đoàn tàu thành một bãi khách. Thoạt đầu, tâm trạng chung phải nói là khá chua chát. Không kèn, không trống, không khúc khải hoàn thì đã đành rồi nhưng đến một chút đối xử có trước có sau người ta cũng chẳng buồn giành cho bộ đội. Cảnh chợ chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì lại một thứ tùy nghi di tản. Đã thế lại còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm soi từng cái túi cóc ba lô tuồng như người ta cho rằng một núi của cải ở miền Nam sau giải phóng bị hư hao thất thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc cho đến sạch sành sanh là bởi anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào khác...”







Giải Phóng. Thôi, khỏi nói. Chuyện cán bộ cách mạng núp bóng cờ đỏ và súng AK để trả thù “ngụy” thì không cần kể, thiên hạ cũng đã đầy tai. Xin nói về cái “mất” buồn cười. Sau khi thử đủ thứ nghề để sống sót mà vẫn thua, tôi nạp đơn xin làm lái xe cho Công Ty Xây Dựng số 7. Bước một, thi tay nghề. Ông thủ trưởng dắt tôi ra bãi xe với 5 chiếc “Молотова” số tay, biểu chọn một chiếc. Chạy một vòng từ dốc Hòa Cầm về đến cầu Trịnh Minh Thế, quay lui, vào bãi dốc xuôi, đầu xe cắm xuống phía trước, tôi tắt máy, cài số de, kéo thắng tay. Vừa bước xuống, thủ trưởng nói “tay nghề anh khá, tôi nhận anh. Về cắt hộ khẩu, mai đem hồ sơ lên nhận việc”. Bước hai, tôi hí hửng ra công an phường sáng sớm hôm sau cắt hộ khẩu để đi làm công nhân viên nhà nước. Lên công ty, công ty biểu xuống công an giao thông đổi bằng lái VNCH ra bằng giải phóng. Công an giao thông biểu về công ty lấy xe xuống thi. Công ty biểu tôi chưa có bằng, chưa là nhân viên chính thức, thì không cho mượn xe được. Chuyện cứ như đùa: tôi không nhận được việc, mà mất luôn hộ khẩu thành phố Đà Nẵng, bèn khăn gói quả mướp vào Saigon bụi đời kiếm sống. Bến bờ đầu tiên tôi tấp vào, là xin làm phòng lay out cho báo Công Giáo và Dân tộc. Ba tháng sau, linh mục chủ nhiệm Vương Đình Bích đuổi sở, “chúng tôi rất cần anh, nhưng anh là lính Chiến Tranh Chính Trị, là phóng viên của nhật báo Sóng Thần chuyên chống cộng trước 75, là cựu nhân viên tiểu đoàn 7 Tâm Lý Chiến Mỹ, là phóng viên chiến trường của thông tấn xã AP”. Đúng thế. Tội ác tôi quá lớn nên Chúa thứ tha mà cha không xóa tội. Từ văn phòng của cha chủ nhiệm buớc ra, tôi biết tôi vào chân tường. Về lại Đà Nẵng sẽ khó sống; ủy ban nhân dân đã lập tòa án nhân dân đem tôi ra đấu tố, “một tên xê-i-a của Mỹ cài lại, sách báo đảng đọc không sót một chữ, để chống phá cách mạng”. Bám lại Saigon thì không vốn liếng làm ăn, không bà con thân thích để cậy nhờ. “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người”. Tôi phải kể vòng vo tam quốc như thế, để các bạn thấy vào lúc đời tôi đen như mõm chó, chỉ còn nước tự tử, thì tôi gặp ViVi. Phải công bằng mà nhìn nhận, nhờ có “giải phóng” (lại xin đừng nói lái), tôi “được” một người, mà ba mươi hai năm sau tôi hoan hỉ gọi là bạn. Giữa cái “được” trống không và mai mỉa, giữa cái “mất” của niềm tin và tình con người, ông trời mềm lòng, gởi tới tôi một người ân nhân.

Tôi không quen dùng chữ cứu tinh, nhưng anh chàng đúng là một vị cứu tinh. Bấy giờ là thời buổi chó nhảy bàn độc, cóc nhái lên làm người, anh em ruột thịt đấu tố nhau, chủ nhà đi kinh tế mới hoặc trốn từ kinh tế mới về che bạt nằm vỉa hè, còn người rừng về chiếm ngự villa và đào xới sân xi-măng của biệt thự để trữ phân người trồng rau muống cải thiện, như Michel Tauriac kể rất cụp lạc trong “Hồ Sơ Đen của Đảng Cộng Sản Việt Nam”. Bấy giờ là “thủa trời đất nổi cơn gió bụi” nên thiên hạ tráo đấu lường thưng và bán đứng nhau để sống. Cũng bấy giờ anh chàng bạn tôi, tuy không đoàn không đảng, nhưng vì khả năng hội họa và in ấn cao nên được phong làm Phó Giám Đốc Mỹ Thuật của một nhà in. Mới quen, nghe hoàn cảnh tôi bị chiếu bí, anh chàng dẫn tôi tới tòa soạn báo Khoa Học Phổ Thông của Hội Trí Thức Yêu Nước, giới thiệu tôi là đồng nghiệp họa sĩ, để tôi nhận phụ trách vẽ trang trí cho tờ báo. Thật ra, tôi vẽ cái mốc xì. Các yêu cầu của tòa soạn, tôi mang qua thả ở nhà anh chàng bên Nguyễn Huỳnh Đức. Anh chàng đi làm, tối về chong đèn vẽ không công, và không ký tên, để tôi có việc làm, và bám trụ ở Saigon. Nói cách khác, anh chàng cưu mang tôi, nuôi cơm tôi bằng giá lương công nhân bốn chục bạc thời “đổi tiền” lần thứ nhất. Chưa hết. Bấy giờ đi từ tỉnh nầy qua tỉnh khác phải được công an phường cấp “giấy đi lại”, tương tự như chúng ta xin hộ chiếu đi từ nước nầy qua nước khác bây giờ. Muốn xin giấy đi lại, công an phải biết mình đi đâu, ở đâu, làm gì. “Không có gì quý hơn tự do”, bác Hồ đã nói như thế. Và vì bác đã dặn như thế, nên cựa quậy cái gì cũng phải “xin phép”, cho đúng tinh thần độc lập tự do mà bác trối trăn. Điều bác dạy làm bạn tôi phải phát huy, để cứu tôi, một người tuyệt vọng. Tôi không hề là nhân viên của nhà in, thế mà ông phó giám đốc mỹ thuật nhà in Thanh Niên 62 Trương Tấn Bửu, trực thuộc thành đoàn Thanh Niên Cộng Sản thành phố Hồ Chí Minh ký giấy chứng nhận tôi làm cho thành đoàn, giới thiệu tôi về công an phường Thanh Bình Đà Nẵng, “yêu cầu các đồng chí tạo điều kiện để đồng chí NT sớm trở lại nhận công tác”. Công an phường Thanh Bình vốn gớm tôi như gớm cứt, đẩy tôi đi gỡ mìn mà không chết, họ cũng rầu lắm. Nhưng chuyến nầy nhận được giấy của thành đoàn yêu cầu để tôi đi, họ không dám cưỡng lệnh. Họ hỏi tôi, “anh quen thế nào với đồng chí Võ Văn Kiệt?”, tôi biết họ lẫn lộn Võ Văn Kiệt với Võ Hùng Kiệt. Thì có sao đâu, khác nhau mỗi cái quần lót. Và cũng nhờ chỉ khác có mỗi cái quần lót, mà ViVi đã cứu nguy cho tôi một bàn thua trông thấy, khi binh nhất Chiến Tranh Chính Trị “ngụy” phải dẫn xác tới công an phường, mặc dù khi nào bạn tôi cũng diễu cợt,”chuyện bọn ngụy chúng ta với tụi nó cũng như trận túc cầu bất phân thắng bại giữa thương phế binh Hà Nội gặp Hội Người Mù Saigon”.

Con đường của chúng tôi từ “quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa” dẫy đầy ách tắc, ViVi biết thế, và tìm cách nầy cách khác để quăng cho tôi cái phao. Làm báo, nghe bảnh lắm, nhưng cũng chỉ là cái cớ để khỏi bị lùa lên núi làm những con thú trong những chuồng trại mang tên thật hay, “vùng kinh tế mới”. Vẫn treo hình bác Hồ trong nhà, vẫn phải mở miệng ra sặc mùi cách mạng và không có gì quý hơn độc lập tự do, nhưng mỗi lần đi qua Khánh Hội nhớ ngày nào bác trốn xuống tàu vượt biên từ đây qua Pháp làm cu li, chúng tôi giác ngộ ra con đường tất yếu mà bác đã làm gương trước: bỏ nước ra đi. Biết thế, nhưng không phải là chuyện dễ. Chúng tôi tiếp túc lận đận. Những buổi tối cuối năm se lạnh hai thằng lội bộ từ Nguyễn Huỳnh Đức ra Trương Tấn Bửu, tới Võ Di Nguy, qua cầu Kiệu, ghé nhà thăm chị Niệm vợ cố bác sĩ “lựu đạn” Phạm Văn Lương. Những hôm thế nầy, ViVi ước chi có một người cũng mê cờ tướng, để vừa đi vừa đánh theo trí nhớ, không cần bàn cờ. Những buổi chiều xuống Ngã Ba Ông Tạ nhâm nhi chả chìa rượu đế anh than thở, “tới tuổi nầy mới biết thịt chó ngon tuyệt cú mèo, uổng phí đi ba mươi năm”, rồi để rượu hát nhạc Trịnh Công Sơn, “Từ bắc vô nam tay cầm bó rau. Tay kia cầm sợi dây, để bắt con cầy”. Hay những buổi tối kéo nhau vào quán cà phê gần chợ Trương Minh Giảng, cùng Bùi Chí Vinh đọc thơ của thiếu tá Việt cộng Phạm Ngọc Cảnh viết về nỗi bất lực của một người đàn ông “chính nghĩa” và súng đạn đầy người vẫn không giải phóng nổi một em điếm ở bến đò xứ Huế ra khỏi số phận bán trôn nuôi miệng:

“Hồi Mậu Thân tôi có về
bắn mười băng đạn rồi nghe em hò
nghe đau mục ván con đò
võ vàng em, với âu lo Huế buồn.

Tôi qua hết mọi suối nguồn
chưa nâng niu được tâm hồn em đâu
tên dòng sông đẹp mà sao
rong rêu trói chặt cây sào đò ơi

Vòng tay ôm biết bao người
mà em chới với chơi vơi một mình
biết tôi thương vẫn né nhìn
điều toan nói lại muốn ghìm xót xa

“Mỹ lùa vô, ngụy kéo ra
sông đâu có sóng vậy mà bồng bênh
mà ngả nghiêng mà gập gềnh
mà chua xót mà buồn tênh anh nờ…”

Tôi nghèo trong mỗi vần thơ
nên tôi quét súng dọc bờ đau thương
tôi dồn hết sóng sông Hương
cho em đủ gió dong buồm ra đi…”



Như đã nói, tôi quen ViVi rất muộn. mặc dù ViVi làm nhiều chuyện tày đình với chính quyền cách mạng để cứu tôi, tôi vẫn không thể bằng vào những kỷ niệm nho nhỏ để kết luận về một con người. Cái mà tôi biết về anh chàng họa sĩ quá ít. Nhưng cái mà anh chàng làm cho bè bạn — trong số đó có tôi — thật nhiều. Hắn ít nói. Nhỏ nhẹ. Không cãi cọ. Cười vui. Và dấn thân. Cứ như mưu tìm hạnh phúc cho người khác là niềm hạnh phúc của hắn. Sau khi trở về Đà Nẵng và dội trở vào Nam lần thứ nhì năm 1981, tôi ghé nhà thăm và bảo sẽ về Đồng Nai bạt rừng làm rẫy, ViVi tâm sự có người quen kêu cho hắn một chỗ trên thuyền, nhưng không biết nên nghĩ sao. Tôi xúi ẩu, “thì đi chứ nghĩ gì nữa”. Một là xuống thủy, hai là ở với khỉ (cộng sản nói khỉ là tổ tiên của loài người), ba là tới Mỹ. Hắn đi thật. Khi tôi đạp chiếc xe đạp khốn khổ 42 cây số chở bắp non đầu mùa về cho ViVi, anh chàng vừa đi được mấy hôm. Gõ cửa, không còn bạn, đành đạp xe về, cầu mong hắn thuận buồm mát mái.

Thế là hắn đã quyết định, đã trốn chạy khỏi thành phố, bị ruồng đuổi khỏi quê hương, bỏ lại gia đình sau lưng, và một quá trình mỹ thuật đóng góp cho đời: 33 giải thưởng tem bưu chính với 27 giải nhất và các tranh vẽ in trên thiệp xuân và thiệp Noel để thiên hạ tiếp tục in lậu và phổ biến. Ra trước bưu điện nhà thờ Đức Bà chúng ta sẽ thấy tác giả rời Việt Nam với hai bàn tay trắng và một chỗ ngồi do học trò tổ chức dành cho thầy trên ghe vượt biên, nhưng công trình tim óc còn để lại nuôi sống biết bao nhiêu người.







9 năm sau khi ViVi vượt biên thành công, tôi thua thêm mấy vụ nữa, nếm mùi nhà giam băng-ky Bình Thạnh, số 4 Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, Đồng Phú, rồi mới rời Việt Nam bằng máy bay. ViVi làm cái gì cũng vừa hay vừa hên hơn tôi. Chẳng những cái số tôi con rệp, mà bản thân tôi cũng là con rệp, không ra trò trống gì cả. Tới Mỹ theo diện mồ côi, được hội thiện nguyện YMCA dắt về Houston như mán về thành, lớ ngớ ngù ngờ, tôi khám phá ra rằng đặt chân xuống miền đất hứa không có nghĩa là vào lọt nước thiên đàng: đây mới là ngưỡng cửa của đoạn đường chiến binh. Ba tuần sau tôi lấy bằng lái xe, ông anh bà con gần của bên vợ nghe tin, tới đón về nhà cho ăn chơi một cái Thanksgiving, và bảo cứ đi tìm chiếc xe nào giá khoảng một ngàn trở xuống, ổng sẽ cho mượn tiền mua, để có phương tiện đi làm. Xe cũ bày bán nhan nhản, vợ chồng tôi cứ như triệu phú, ngày nào cũng lội vào các dealer ngắm nghía. Tìm ra cả ngàn chiếc xe vừa ý và “vừa túi tiền”, nhưng ngàn bạc hứa hẹn chờ hoài không thấy tăm hơi. Lại vào chân tường, và lại tìm số điện thọai, gọi cho ViVi ở Montréal. Hắn nói hắn cũng đang lận đận lắm, nhưng hắn có cô em họ ở Houston. Để đó hắn xoay xở. Hắn xoay xở thật. Ít hôm sau, có một phụ nữ trẻ đẹp tới gõ cửa phòng trọ của gia đình tôi ở khu ổ chuột. Cô nầy tự giới thiệu là em của ViVi bên Canada, và nói chính anh ViVi nhờ cô đến tìm cách cứu nguy. Tôi kể rằng tôi có thể xin được công việc gì đó, nhưng không có cái xe cà tàng thì khó lòng quán xuyến gia đình. Tôi cũng kể cho cô ấy nghe tôi được hứa cho mượn một ngàn, nên vợ chồng đã tìm thấy cả khối xe ưa ý. Cô bạn cắt ngang: “anh chị kiếm xe từ ba đến năm ngàn thì em cho mượn, ít hơn thì em từ chối, vì đem xe về chỉ tốn thêm tiền sửa, hoặc xe nằm đống”. Ba ngày sau tôi đã mua xong xe, trả bằng tìền mặt. Ngày đầu nhận việc, tôi lái xe đi làm, còn cho năm người hàng xóm quá giang. Mấy người trong xóm ổ chuột West Bellfort chữi tôi một mách, “thằng láu cá, nói qua Mỹ hai tay trắng, vài tuần sau đã sắm xe, pay off bằng tiền mặt”. Hai tháng sau đó, cũng chính cô em của ViVi tới thăm, chở cho microwave, máy ảnh, thuốc lá. Cô dặn vợ chồng tôi “hãy khoan nghĩ tới vấn đề trả góp hàng tháng. Em không cho, anh chị phải trả, nhưng khi nào ổn định nhà cửa, thì mới bắt đầu trả. Còn bây giờ, đến phiên chị phải lấy bằng lái, và phải mua thêm cái xe nữa”. Chuyện cứ như đùa. Cô ấy gọi phone thăm hỏi hàng tuần. Bốn tuần sau vợ tôi lấy được bằng lái. Tuần thứ năm, cô ấy lại lặn lội xuống thăm, và đọc lệnh, “lần nầy anh phải mua chiếc khá hơn cho chị, kính lên xuống tự động, có radio cassette, máy lạnh thật tốt. Đàn bà con gái chạy giữa đường đêm hôm xe có chuyện gì kẹt lắm. Lần nầy anh phải mua xe từ năm ngàn trở lên”. Thế là vợ chồng tôi bị chữi thêm một trận nữa, “thằng láu cá, nói qua Mỹ hai tay trắng…” Có ai biết giùm cho tôi, cái tội có tiền mặt mua liền hai cái xe trong vòng mấy tháng, là “Tội” của một người bên Canada, nào phải lỗi tôi?

Tóm lại, tôi tới Mỹ trắng tay, nhưng đến nay mười tám năm, tôi chưa hề phải đi làm bằng xe bus. Nhờ hai người với hai cái xe, chúng tôi đã có thể xoay xở ngược xuôi, ba năm sau trả xong nợ xe, sáu năm sau mua nhà, chín năm sau pay off. Nhìn lại quá trình định cư, trong vòng một thập niên sau khi rời Việt Nam, chúng tôi đã thực sự ổn định. Tất cả những chuyện tôi vừa kể trên đây — vinh và nhục, thua cuộc và thành tựu — là những biến cố rất lớn của gia đình tôi. Điều rõ rệt nhất, là những lúc bị đời trấn nước, nếu tôi không có một người đưa tay ra, thì làm gì có ngày hôm nay!



Những ngày này ViVi sắp sửa kỷ niệm nửa thế kỷ cầm cọ. Khả năng thưởng ngoạn hội họa của tôi kém, khả năng viết về hội họa của tôi tồi. Nếu tôi viết về họa sĩ ViVi, tôi sẽ làm giảm đi danh tiếng của một người có thực tài, và đã đóng góp cho đời, cho người không ít. Tôi xin được nói về một người tên Võ Hùng Kiệt, theo cách biết của tôi, theo kiểu quen của tôi, và theo cảm nhận của riêng tôi. Thật ra, những gì tôi kể trên đây, tôi đã kể lác đác với những người thứ ba. Những ai chưa biết về tính nết của ViVi, thì lấy làm lạ. Những ai biết ViVi nhiều hơn tôi, thân với ViVi hơn tôi, thì gạt phắt đi, “chuyện ấy có gì lạ mà phải nói? Tính nết hắn là thế, ai chẳng biết? Nghe ai khốn khó, hoạn nạn, là nhảy xổ vào, lo hơn là lo việc nhà của hắn”.

Khi nhớ về những nét thủy mạc trên những trang Tuổi Hoa ngày nào, tôi chưa quên lòng mến mộ của mình. Khi mở bộ sưu tập bưu hoa của thằng con, nhìn lại những con tem vẽ bởi ViVi trước 1975, tôi chồng thêm những ngưỡng mộ khác nữa. Nếu giờ nầy bạn cầm trong tay tờ nhật báo Độc Lập hay Dân Chủ in trước 1975, có thể bạn thấy bài viết của tôi vô duyên. Nếu bạn mở sách giáo khoa của các nhà xuất bản Quê Hương, Nhật Tảo, Sống Mới, Cành Hồng, Khai Trí, không biết bạn sẽ nghĩ sao về một Võ Hùng Kiệt trẻ trung thủa ấy? Tôi không có dịp đi nhiều để thấy, nhưng nghe nói ViVi còn điêu khắc tượng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đặt tại Maria Lewinston Garden (New York), tại dòng Đồng Công ở Carthage, Missouri, tại Denver, Colorado, tại Arlington và Austin, Texas; tượng Mẹ Maria tại Amarillo, Texas; tượng Thuyền Nhân Vượt Biên đặt ở Santa Ana, California, tượng thủ tướng Canada Pierre Eliotte Trudeau và tượng linh mục Trần Đình Thủ, người sáng lập dòng Đồng Công.

Những điều tôi biết về ViVi rất ít ỏi, so với sự tháo vát năng động của anh chàng ngày nào trốn bố chui lên trần nhà lén lút học vẽ. Những điều tôi viết chỉ là hạt cát so với những gì Võ Hùng Kiệt làm cho bạn cho bè. Thế mà tôi viết rồi bỏ rồi viết rồi bỏ ngót một tháng, mới xong những dòng ngắn ngủi trên đây. Rất dễ hiểu: viết chê kẻ khác, thật dễ như tắm. Viết khen người khác, mặc dù điều mình viết có thực, nhưng không khéo, lại gây tác dụng ngược, trở thành hại bạn. Nhưng có một điều mà tôi hãnh diện, là những gì mà bạn tôi đã làm cho tôi từ tâm can của một con người khi nào cùng hướng lòng về tha nhân, được hơn một người khác xác nhận. Cóc chết để da, người ta chết để tiếng. ViVi không giúp bạn, giúp người, giúp đời để được nổi danh. Cá tính mà hắn sống hằng ngày, là đức tính được ký gởi bởi trời, và bạn tôi lãnh nhận để mang vào đời một cách hoan hỉ, tươi vui. Xin chúc mừng bạn, ViVi, nhân ngày kỷ niệm 50 năm nhập cuộc.



ngythanh


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com